Rửa tay là hành động đơn giản, thường ngày nhưng để phòng, tránh COVID-19 việc rửa tay cần đúng cách. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra:
Mục lục
- Tại sao rửa tay lại hạn chế được lây nhiễm mầm bệnh COVID-19?
- Khi nào thì phải rửa tay để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2?
- Phải rửa tay như như nào mới đúng để có thể hạn chế được sự lây nhiễm của COVID-19?
- Vì sao phải rửa tay bằng xà phòng?
- Vì sao khi rửa tay với xà phòng cần phải rửa tối thiểu trong 30 giây?
- Thế nào gọi là rửa tay khô?
- Dung dịch rửa tay khô phải bảo đảm điều kiện gì mới có thể sử dụng để rửa tay khô phòng mắc COVID-19?
- Ngoài việc rửa tay sạch, cần thực hiện thêm thói quen gì với đôi tay để hạn chế lây nhiễm virus SAS-CoV-2?
Tại sao rửa tay lại hạn chế được lây nhiễm mầm bệnh COVID-19?
Tay người là bộ phận tiếp xúc với các vật dụng xung quanh nhiều nhất (cầm, nắm, sờ…), do đó cũng có nguy cơ cao bị nhiễm tác nhân (có thể là vi khuẩn, virus…) từ các vật dụng. Khi cầm vật dụng để ăn uống, hay lau mặt, hay các động tác tương tự đưa lên mặt dễ làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 (qua niêm mạc đường hô hấp, niêm mạc mắt…).
Rửa tay làm hạn chế, thậm chí loại bỏ các tác nhân trên tay bị ô nhiễm nên hạn chế được nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng.
Khi nào thì phải rửa tay để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2?
Bất kỳ khi nào có nguy cơ ô nhiễm tay, nhất là sau khi lấy tay che mũi, miệng khi ho, hắt hơi; sau khi sờ, cầm, nắm vào các vật dụng xung quanh. Ở các vùng nghi ngờ có người mắc hay phải tiếp xúc với người nghi ngờ có triệu chứng như ho, hắt hơi, sốt… thì càng phải thực hiện biện pháp rửa tay thường xuyên hơn.
Ngoài ra, nên rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chế biến thực phẩm… Cần tập thói quen rửa tay thường xuyên, kể cả không phải khi đang có dịch COVID-19, để phòng chống nhiều loại bệnh lây truyền khác do tay bị ô nhiễm.
Phải rửa tay như như nào mới đúng để có thể hạn chế được sự lây nhiễm của COVID-19?
Rửa tay theo quy trình 6 bước của Bộ Y tế:
Vì sao phải rửa tay bằng xà phòng?
Rửa tay bằng nước sạch mới làm giảm tác nhân như vi khuẩn, virus… Xà phòng là một hợp chất chứa acid béo este hóa và hydroxit natri hoặc hydroxit kali có tính năng tẩy rửa. Nhờ chất tẩy rửa có trong thành phần cấu tạo mà xà phòng có tính năng làm sạch.
Những chất tẩy rửa này có sức căng bề mặt lớn, có tác dụng loại bỏ chất bẩn, chất hữu cơ có trên bàn tay. Vì vậy, rửa tay bằng xà phòng làm giảm hơn nữa nguy cơ mắc COVID-19.
Vì sao khi rửa tay với xà phòng cần phải rửa tối thiểu trong 30 giây?
Vì đây là thời gian tối thiểu để thực hiện đủ 6 bước rửa tay thường quy. Mặt khác, muốn tăng hiệu quả sát trùng của xà phòng thì cần thời gian để hóa chất trong xà phòng tiêu diệt tác nhân gây bệnh trên tay.
Thế nào gọi là rửa tay khô?
Rửa tay khô là biện pháp sát trùng bàn tay bằng dung dịch rửa tay chuyên dụng mà không cần rửa lại bằng nước. Các dung dịch rửa tay khô thường chứa cồn, sau khi sát trùng tay cồn bay hơi nên tay khô trở lại mà không cần lau hoặc sấy.
Dung dịch rửa tay khô phải bảo đảm điều kiện gì mới có thể sử dụng để rửa tay khô phòng mắc COVID-19?
Tác nhân sát trùng chính trong dịch sát trùng tay (hay còn gọi là dung dịch rửa tay khô) là cồn. Vì vậy, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, dung dịch sát trùng tay phải có nồng độ cồn đạt từ 60% trở lên. Ngoài ra, cồn là dung dịch dễ bay hơi; để làm tăng thời gian tiếp xúc giữa cồn với các vi trùng có trên tay cần làm chậm quá trình bay hơi của cồn nên trong các dung dịch này thường được bổ sung các chất làm chậm bay hơi cồn như glycerin chứ không chỉ pha loãng cồn với nước.
Ngoài việc rửa tay sạch, cần thực hiện thêm thói quen gì với đôi tay để hạn chế lây nhiễm virus SAS-CoV-2?
Không cầm vào mặt trước cũng như mặt sau của khẩu trang đã sử dụng. Không đưa bàn tay lên mặt – nhất là dụi mắt, ngoáy mũi hay cắn móng tay. Hạn chế chạm tay vào các bề mặt có nguy cơ cao hoặc nghi ngờ ô nhiễm mầm bệnh.